Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 81 năm 2023

THỂ LỆ VIẾT BÀI

Bài viết phải đảm bảo chưa công bố, đăng tải trên các Báo, Tạp chí, độ dài không quá 10 trang, được đánh máy vi tính theo phông Times New Roman, cỡ chữ 12, in trên khổ A4 kèm theo file hoặc gửi qua Email. Bài viết sử dụng tiếng Việt, kèm theo tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (không quá 200 từ). Công thức được viết theo Equation Editor và đánh số thứ tự về bên phải. Các bản vẽ phải đúng quy định vẽ kỹ thuật, kích thước không quá 15 x 20cm. Các bài có bản đồ từng vùng hoặc cả nước cần vẽ theo mẫu chính xác, đúng theo quy cách hiện hành, các bản vẽ, biểu bảng phải đánh số thứ tự.

Thứ tự sắp xếp bài báo:

- Tên bài báo

- Họ và tên tác giả, học hàm, học vị, cơ quan công tác

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Việt).

- Tóm tắt nội dung (bằng tiếng Anh)

- Nội dung bài báo.

- Tài liệu tham khảo: đặt liền với bài và ghi thứ tự, số thứ tự được đặt trong [ ].

Trích dẫn tên đề tài công bố.

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Mô hình vật lý đánh giá hiệu quả của một số dạng kết cấu đê giảm sóng

Mai Trọng Luân
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình
Thiều Quang Tuấn
Trường Đại học Thủy lợi

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trên bán đảo, có vị trí địa lý khá đặc biệt với ba mặt tiếp giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254km với hơn 52.000 ha rừng ngập mặn. Tuy nhiên những năm gần đây, ở khu vực biển Tây tình trạng sạt lở đang diễn ra rất nghiêm trọng làm mất rừng ngập mặn, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội của người dân trong tỉnh. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa vào áp dụng nhằm hạn chế tình trạng xói lở, mất rừng, tuy nhiên chưa có lý luận thiết kế rõ ràng, đặc biệt là về thiết kế chức năng yêu cầu cho công trình. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu mô phỏng quá trình truyền sóng qua 3 dạng công trình bảo vệ bờ (đê kết cấu hộp lỗ rỗng, đê cọc bê tông ly tâm đá đổ, đê kết cấu khối xếp CT3N-WIP1) bằng mô hình vật lý trên máng sóng với mục tiêu định hướng lựa chọn dạng công trình giảm sóng, gây bồi hỗ trợ trồng rừng thích hợp với khu vực biển Tây Cà Mau. Xem xét với mục tiêu tổng hợp là công trình có thể hỗ trợ trồng và khôi phục rừng ngập mặn phản ánh qua các khía cạnh về hiệu quả giảm sóng, sóng phản xạ và khả năng trao đổi bùn cát có thể đi đến kết luận rằng kết cấu đê giảm sóng với loại cấu kiện CT3N-WIP1 (PA3) là phương án phù hợp nhất trong các phương án so sánh ở đây với các ưu điểm về sóng phản xạ và khả năng trao đổi bùn cát

8

Thiết kế và xây dựng robot VIAM-ROV600 phục vụ khảo sát đánh giá chất lượng công trình hồ, đập thủy lợi

Trần Thanh Vinh, Trần Ngọc Huy, Đoàn Ngọc Thanh Tú
Trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh

Phan Mạnh Hùng, Phạm Văn Tùng
Viện Kỹ thuật Biển

Hiện nay nhiều hồ, đập thủy lợi có tình trạng xuống cấp và cần bảo trì thường xuyên. Nhưng lực lượng thợ lặn lại có nguồn lực giới hạn và đây cũng là công vệc nguy hiểm nên các hoạt động của thợ lặn cũng chịu nhiều hạn chế. Vì thế trong bài báo này sẽ đề xuất phương án sử dụng Remotely Operated underwarter Vehicles (ROV) cho việc khảo sát hồ, đập thủy lợi. Cụ thể sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng bộ điều khiển PID Cascade điều khiển độ sâu và trạng thái các góc của robot. Qua đó mô phỏng lại một số trường hợp vận hành đặc trưng của robot ROV. Thi công một mô hình có chỉ số kỹ thuật phù hợp để chịu được áp suất ở độ sâu khoảng 50m. Xây dựng hệ thống điều khiển gồm các mạch nguồn, board điều khiển, một số cảm biến và các ngoại vi cơ bản phục vụ nhu cầu khảo sát hồ, đập như đèn, ống lấy mẫu nước, cảm biến rò,… Đồng thời nhúng giải thuật PID mà ta đã mô phỏng vào  mô hình robot ROV

16

Xây dựng công cụ cảnh báo sớm lũ, lụt cho khu vực phía tây và tây nam thành phố Hà Nội

Đăng Giáp, Lê Thế Cường, Nguyễn Hương Trà
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển

Ngày nay lũ lụt thường xuyên xảy ra, đặc biệt tại các khu vực đô thị và những lưu vực sông chảy qua các khu dân cư đông đúc. Lũ lụt ngày càng nghiên trọng hơn do việc phát triển không đồng bộ giữa việc đô thị hóa và cải tạo hệ thống thoát nước. Diện tích mặt nước bao gồm sông suối, ao hồ, đầm lầy ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra, giải pháp cảnh báo sớm là một trong những biện pháp hiệu quả, ít tốn kém và khả thi nhất hiện nay. Trong bài báo này chúng tôi giới thiệu hệ thống cảnh báo trực tuyến nguy cơ lũ, lụt khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố Hà Nội.

24

Kết quả về điều tra, khảo sát hiện trạng nuôi trồng thủy sản, hệ thống công trình thủy lợi cấp thoát nước và nghiên cứu đề xuất mô hình cấp nước biển sạch phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình

Phan Đình Tuấn, Vũ Bá Thao, Phạm Đức Hưng, Nguyễn Thị Thu Nga,  Nguyễn Duy Ngọc, Nguyễn Thanh Tâm
Viện Thủy Công

Vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình mang nhiều nét đặc trưng riêng khi hằng năm bãi bồi tiến ra biển khoảng 60 m. Nhờ có các tuyến đê quai lấn biển, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn đang có xu hướng phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào sự đổi thay của mảnh đất này. Tuy nhiên thách thức rất lớn đối với nuôi trồng thủy sản tại Kim Sơn hiện nay là hệ thống thủy lợi cấp thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, tình trạng ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng ngày càng tăng. Vấn đề cấp nước biển sạch chủ động đang là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm, đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản. Bài báo này giới thiệu kết quả về điều tra, khảo sát hiện trạng nuôi trồng thủy sản, hệ thống công trình thủy lợi cấp thoát nước và đề xuất mô hình cấp nước biển sạch phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn.

35

Đánh giá tác động của ngập đến cù lao Hưng Phong dưới ảnh hưởng của nước biển dâng

Lê Văn Tuấn, Hồ Công Toàn, Nguyễn Đàm Quốc Huy,
Nguyễn Thị Kim Thảo, Nguyễn Thị Thạch Thảo, Trần Thị Chúc Linh

Viện Kỹ thuật Biển

Mục tiêu của nghiên cứu là dự báo và đánh giá tác động bởi ngập đến cù lao Hưng Phong, tỉnh Bến Tre. Nhóm tác giả ứng dụng mô hình MIKE FLOOD để mô phỏng ngập úng do triều, lũ năm 2019 và trong điều kiện nước biển dâng, trong đó mô hình một chiều MIKE 11 HD mô phỏng thuỷ lực trên sông, rạch, kênh được liên kết với mô hình hai chiều MIKE 21 FM mô phỏng nước chảy tràn trên mặt phẳng địa hình. Các bộ thông số của mô hình MIKE 11 HD và MIKE 21 FM đảm bảo độ tin cậy với hệ số NASH sau khi hiệu chỉnh, kiểm định mực nước tại trạm Mỹ Hoá trên 0,85, phạm vi ngập được so sánh giữa mô phỏng và ảnh vệ tinh MODIS sau khi giải đoán, kết quả là trong mức sai số cho phép. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cù lao Hưng Phong bị ngập khoảng 1.192,69 ha (chiếm 93,34% diện tích tự nhiên năm 2019), mức ngập ảnh hưởng nhiều nhất là 0,3 – 0,7 m và 1,0 – 1,5 m. Đến năm 2035 và 2045, sự ảnh hưởng của nước biển dâng đã trở nên rõ rệt, nguy cơ ngập tăng khoảng 45,73 – 48,79 ha và mức độ ảnh hưởng gia tăng khoảng 3,58 – 3,82% so với năm 2019. Đây là những thông tin quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp để phòng, chống ngập cho cù lao Hưng Phong, cũng như hỗ trợ chính quyền xã Hưng Phong thực hiện kế hoạch thích ứng với nước biển dâng ở Việt Nam

46

Bước đầu đánh giá hiện trạng và nguyên nhân sạt lở bờ sông, kênh, rạch khu vực tây nam sông Hậu

Nguyễn Hoàng Hanh, Lê Ngọc Cương, Đỗ Quý Mạnh, Lê Nguyên Kha, Nguyễn Việt Đức, Trương Văn Luận, Mỵ Duy Toại
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Vấn đề sạt lở bờ sông, kênh, rạch khu vực Tây Nam sông Hậu hiện đang rất cấp bách và diễn ra hết sức phức tạp. Chính vì thế, việc nghiên cứu và đánh giá các nguyên nhân gây ra sạt lở là rất quan trọng, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở, giúp ổn định cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, xã hội. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa, thu thập các tài liệu, đo đạc các chỉ tiêu, thông số về điều kiện tự nhiên, xã hội để phân tích và đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại 03 khu vực: đất phù sa, đất phèn và đất mặn. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy có 03 nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở tại khu vực nghiên cứu bao gồm: tác động nội sinh do điều kiện địa hình, hình thái sông, nông hoá, thổ nhưỡng và thảm thực vật; tác động ngoại sinh do dòng chảy, sóng, dao động mực nước và thuỷ triều; tác động nhân sinh bắt nguồn từ những hoạt động của con người bao gồm xây dựng các công trình thượng nguồn và ven sông, khai thác cát, sự lưu thông của tàu thuyền và sự khai thác diện tích cây ngập mặn.

56

Nghiên cứu sử dụng mô hình học máy tăng cường độ dốc vào dự đoán năng lượng pin mặt trời
sử dụng công nghệ quang điện

Nguyễn Hữu Năm, Trần Quốc Thanh

Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Trần Văn Quân

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng, cùng với nhu cầu về các nguồn năng lượng sạch và bền vững, đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể các dự án điện mặt trời trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, công nghệ, kỹ thuật và khả năng phát triển dự án điện mặt trời còn đang phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, dẫn đến việc triển khai điện mặt trời với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về giá thành. Điều này khiến điện mặt trời khó có khả năng cạnh tranh với những nguồn điện truyền thống khác. Tuy nhiên việc đánh giá, thiết kế năng lượng pin mặt trời bằng công nghệ quang điện Solar photovoltaic ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chủ yếu do các đơn vị tư vấn nước ngoài. Sẽ hết sức có ý nghĩa nếu có thể đánh giá sơ bộ ban đầu nguồn năng lượng pin mặt trời. Việc sử dụng công cụ học máy ML trong dự báo năng lượng mặt trời đã thu hút được sự chú ý đáng kể trong những năm gần đây, với một số nghiên cứu chứng minh tiềm năng của các mô hình dựa trên ML trong việc cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của dự báo năng lượng mặt trời. Do vậy, nghiên cứu này sẽ nghiên cứu đưa ra một ứng dụng cụ thể của một mô hình học máy hiện đại là tăng cường độ dốc (Gradient Boosting) trong việc dự báo năng lượng pin mặt trời từ nhiệt độ môi trường, lượng bức xạ nhiệt và nhiệt độ pin mặt trời.

65

Vai trò của thảm thực vật trên lưu vực hồ cửa Đạt đối với việc điều tiết dòng chảy về hồ chứa

Lê Văn Tuất, Lại Thu Hiền
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

Chu Nguyễn Ngọc Sơn
Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu

Đỗ Minh Anh
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu đánh giá vai trò của thảm thực vật trên lưu vực hồ Cửa Đạt đối an toàn công trình thông qua tác động lên dòng chảy về hồ trong giai đoạn từ năm 2000 - 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thảm thực vật trên lưu vực hồ Cửa Đạt có vai trò nhất định trong việc điều tiết dòng chảy. Trong giai đoạn 2000 - 2010, khi diện tích rừng trên lưu vực giảm và diện tích đất trống tăng lên thì khả năng điều tiết nước của thảm thực vật trên lưu vực giảm (hệ số dòng chảy mùa lũ, trận lũ và trung bình ngày lớn nhất tăng lên). Ngược lại, trong giai đoạn 2010- 2020, thảm thực vật trên lưu vực hồ chứa thay đổi theo hướng tăng diện tích rừng, giảm diện tích đất trống, độ che phủ tăng lên thì đã có tác động tích cực về tiêu chí lũ, hệ số dòng chảy mùa lũ và trận lũ đều giảm, dòng chảy về hồ được điều hoà tốt hơn. Do đó, việc gia tăng diện tích rừng và gia tăng độ che phủ của thảm phủ trên lưu vực hồ chứa là cần thiết và có ý nghĩa tích cực, tăng khả năng điều hoà dòng chảy trên lưu vực, từ đó góp phần đảm bảo an toàn cho công trình

74

Nghiên cứu lưu lượng tối thiểu để giảm thiểu ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng

Vũ Thị Thanh Hương, Nguyễn Đức Phong, Hà Hải Dương, Nguyễn Minh Tú
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nội dung bài viết về kết quả nghiên cứu đề xuất lưu lượng tối thiểu (QTT)để tăng khả năng TLS nguồn nước trong các HTTL vùng nghiên cứu dựa trên số liệu về tải lượng chất ô nhiễm, nguồn cấp nước của năm hiện trạng 2020 và dự báo đến 2030 trong trường hợp có BĐKH và không có BĐKH. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với các HTTL sông Cầu, Liễn Sơn và Bắc Nam Hà với QTT tăng 20-30% so với QTK. Với QTT đề xuất đã giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nước, chỉ còn một số vị trí bị ô nhiễm cục bộ. Đối với các HTTL Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, QTT tăng 40-80% so với QTK. Đối với HTTL sông Nhuệ, sông Tích QTT tăng 80-170% so với QTK. Trong 4 HTTL này, với QTT đề xuất giá trị thông số ô nhiễm có giảm xuống, chất lượng nước được cải thiện nhưng phần lớn các vị trí đều chưa đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1. Điều đó chứng tỏ ở 4 HTTL này tải lượng chất thải xả vào HTTL quá lớn, nếu chỉ bằng việc tăng QTT sẽ không đạt được mục tiêu về chất lượng nước mà cần phải kết hợp với giải pháp xử lý nguồn thải mới có thể giải quyết được vấn đề ONN trong HTTL. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp tăng cường cấp nước để giảm thiểu ô nhiễm nước cho các HTTL vùng ĐBSH

85

Giới thiệu phương pháp quản lý an toàn đập dựa trên thông tin rủi ro

Đỗ Ngọc Ánh, Trần Quốc Quân, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Thanh Tùng
Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Đa phần trong số gần 62.000 đập lớn trên thế giới đều được xây dựng trong thời kỳ trước nên có tuổi đời cao và đang dần lão hóa, xuống cấp về mặt chất lượng công trình. Bên cạnh đó, tác động cực đoan của các yếu tố khí hậu dưới ảnh hưởng của BĐKH đã và đang gia tăng sức ép lên việc đảm bảo an toàn của các hồ chứa này. Tỷ lệ các đập gặp sự cố trên thế giới được thống kê lên tới khoảng 1%. Thiệt hại về nhân mạng, tài sản và môi trường trong các sự cố đập là thảm khốc. Tại Việt Nam, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa vẫn chủ yếu dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn ngành, vốn đã ra đời từ nhiều thập kỷ trước và chưa kịp thay đổi để thích ứng với các điều kiện hiện tại về kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc phải đưa ra một chiến lược quản lý an toàn đập, hồ chứa hiện đại và cập nhật nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn ngày càng khắt khe là nhu cầu cấp bách. Bài báo này nhằm giới thiệu phương pháp tiếp cận quản lý an toàn đập dựa trên thông tin rủi ro. Đây là một trong những phương pháp hiện đại, ưu việt và được nhiều quốc gia phát triển nghiên cứu áp dụng và có nhiều bài học kinh nghiệm tốt. Phương pháp này được nghiên cứu và xây dựng nhằm nhận biết, hành động giảm thiểu, và lập thứ tự ưu tiên các rủi ro cho danh mục các công trình. Trong bối cảnh Việt Nam, phương pháp này cần có những nghiên cứu nhằm điều chỉnh và phân chia giai đoạn phù hợp với trình độ nhận thức và kỹ thuật của các bên có liên quan trong lĩnh vực quản lý an toàn đập.

95

Đề xuất giải pháp nâng cao ổn định đập đất hồ chứa nước Diên Trường - tỉnh Quảng Ngãi

Lê Văn Thảo
Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng

Lê Văn Hậu
Công ty TNHH một thành viên Khai Thác Công Trình Thủy lợi

Hiện nay toàn tỉnh Quảng Ngãi có 123 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế trên 407 triệu m3. Qua kiểm tra, rà soát hiện có 38 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng, mất ổn định cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp. Công trình hồ chứa nước Diên Trường có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp nước dân sinh và tưới ổn định cho 500ha lúa, hoa màu của nhân dân xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện trạng mất ổn định hiện nay là thấm qua thân đập đất tại khu vực lòng suối; xuất hiện vết nứt ở thân đập đất phía gần tràn xã lũ, vị trí vết nứt nằm ở giữa mặt đập và dọc theo chiều dài thân đập. Bài báo tập trung đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nâng cao ổn định đập đất hồ chứa nước Diên Trường - Tỉnh Quảng Ngãi

101

Nghiên cứu đánh giá khả năng cấp nước của hồ chứa thủy lợi phục vụ đa mục tiêu

 

Trần Tuấn Thạch
Trường Đại học Thuỷ lợi

Theo xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, nhiều hồ thủy lợi được cải tạo và nâng cấp nhằm đáp ứng cho nhiều mục đích khác như: cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, du lịch sinh thái v.v... Đối với các hồ đa mục tiêu, khả năng cấp nước của hồ được đánh giá dựa trên việc liệu dung tích hồ có đáp ứng được các yêu cầu của các đối tượng khác nhau hay không. Nghiên cứu này đưa ra phương pháp đánh giá khả năng cấp nước của hồ chứa đa mục tiêu và áp dụng cho hồ chứa Đại Lải-tỉnh Vĩnh Phúc. Các kịch bản đánh giá khả năng cấp nước của hồ với dòng chảy đến hồ (năm nhiều nước P=25%, trung bình P=50%, ít nước P=85%, và năm rất khô hạn P=95%) và nhu cầu nước (theo hiện trạng và tương lai), kết quả cho thấy: 1) KB1 (dòng chảy đến hồ P=25%, nhu cầu nước hiện trạng P=85%) và KB2 (dòng chảy đến P=50%, nhu cầu nước hiện trạng) thì hồ đáp ứng được yêu cầu cấp nước 100%; 2) KB3 (dòng chảy đến P=85%, nhu cầu nước hiện trạng) thì hồ vẫn đáp ứng được yêu cầu cấp nước nhưng cần có kế hoạch vận hành hợp lý vì mực nước hồ trong mùa kiệt xuống xấp xỉ mực nước yêu cầu cho du lịch; 3) KB4 (dòng chảy đến năm rất khô hạn P=95%, nhu cầu nước hiện trạng P=85%) thì hồ không đáp ứng được yêu cầu về du lịch, nếu ưu tiên du lịch thì diện tích lúa giảm gần 40%; 4) KB5 (dòng chảy P=85%, nhu cầu nước theo quy hoạch đến năm 2030), hồ không đáp ứng được yêu cầu mực nước cho phát triển du lịch, tương tự KB4 nếu ưu tiên du lịch thì diện tích lúa giảm 9,5%. Kết quả đánh giá năng lực cấp nước của hồ là cơ sở trong việc quản lý vận hành hiện tại và trong tương lai.

Từ khóa: Hồ chứa thủy lợi, khả năng cấp nước, đa mục tiêu cấp nước

110

Một số nhân tố ảnh hưởng khi ứng dụng Bim trong quản lý dự án xây dựng tại việt nam

Thái Ngọc Thắng­­, Lê Văn Chính
Trường Đại học Thủy lợi

Bùi Ngọc Toàn
Trường Đại học Giao thông vận tải

Ở Việt Nam, việc nhìn nhận đánh giá các nhân tố ảnh hưởng khi áp dụng hệ thống thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) vào quản lý dự án xây dựng vẫn chưa thực sự được quan tâm. Điều này dẫn đến các rủi ro không lường trước được trong quá trình triển khai và ảnh hưởng đến các mục tiêu của dự án. Bài báo đề xuất một góc nhìn để nhận diện và phân loại nhân tố ảnh hưởng khi áp dụng hệ thống thông tin công trình (BIM) trong quản lý dự án xây dựng tại Việt Nam. Việc nhận diện các nhân tố ảnh hưởng này giúp cải thiện quản lý dự án, tăng hiệu quả và giảm rủi ro.